Dệt may Bangladesh gặp khó tháng 8/2024
Theo thông tin từ Nikkei Asia, ngày 4/8/2024 tại Bangladesh đã xảy ra cuộc đụng độ khiến ít nhất 91 người thiệt mạng khi những người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Các cuộc tấn công xảy ra tại các đồn cảnh sát, văn phòng đảng cầm quyền và các nhà máy may mặc. Trước tình trạng bất ổn này, chính phủ đã tuyên bố lệnh giới nghiêm toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 6 giờ tối Chủ Nhật, lần đầu tiên thực hiện động thái như vậy trong các cuộc biểu tình hiện tại bắt đầu vào tháng trước. Chính phủ cũng tuyên bố một kỳ nghỉ chung kéo dài ba ngày bắt đầu từ 4/8. Ít nhất năm nhà máy may mặc, dệt may và nhựa đã bị châm lửa trong khu vực Ashulia và Sreepur trong lúc bạo loạn diễn ra. Và một nhà máy vải bông khác đã bị châm lửa ở Sreepur. Gần như tất cả các nhà máy may mặc đã mở cửa hôm qua nhưng bị đóng cửa sau buổi trưa vì lo sợ hành hung và bất ổn lao động.
Hiệp hội Nhà máy Dệt Bangladesh đã thông báo đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong ba ngày, theo quyết định của chính phủ về ba ngày nghỉ chung. Tất cả các ngân hàng và các cơ quan công cộng đã bị đóng cửa. Chính quyền nước này đã yêu cầu áp dụng lệnh giới nghiêm cấp quốc gia cùng việc chặn mạng di động 4G để kìm hãm bạo loạn.
Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Đặc biệt họ có lực lượng lao động rất lớn, với mức lương rẻ. Hiện tại Theo Báo Business Standard của Bangladesh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25 – 40%. Đó là chưa kể đến giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm trên thế giới. Nhập khẩu từ Tây Âu sụt giảm vì lạm phát. Nhập khẩu từ Nga cũng giảm sâu. Một số doanh nghiệp, trước xuất khẩu được sang Nga giá trị hơn 1 triệu USD/tháng thì nay tụt về bằng 0. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn đó là cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt mà nhiều Bangladesh đang phải đối mặt. Tình hình ngân sách eo hẹp được cho đã buộc chính phủ Bangladesh phải cắt giảm trợ cấp khí đốt. Đơn hàng vốn đã eo hẹp hơn trước, nhưng khi có đơn hàng thì nhiều doanh nghiệp cũng đã phải quyết định bỏ đơn. Dệt may vốn là ngành thâm dụng khí đốt. Trong nhiều trường hợp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Bangladesh nay còn cao hơn giá có thể xuất khẩu trên thị trường. Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây đã phải cảnh báo việc quá phụ thuộc vào ngành dệt may đã và đang gây ra nguy cơ lớn và lâu dài đối với nền kinh tế Bangladesh. Nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra không chỉ quá phụ thuộc vào xuất khẩu dệt may, các thị trường của dệt may Bangladesh cũng đang thiếu đi sự đa dạng cần thiết. 4/5 tổng lượng xuất khẩu của nước này hiện nay là bị bó hẹp ở các thị trường ở Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu.
Là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam, với tình hình trên thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh sẽ gặp khó khăn, vì:
1/ Tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút (giữa mùa Hot, đang sản xuất hàng cho mùa đông). Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.
2/ Niềm tin của khách hàng dối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút
3/ Sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút.